BÁO NỘI BỘ TÂN PHÚ CƯỜNG

LẠM PHÁT VÀ SUY THOÁI

LẠM PHÁT NHÌN THẤY TRƯỚC

Tiền mất giá là điều chúng ta có thể nhìn thấy trước. Với động thái in tiền của các quốc gia từ trong mùa dịch 2020-2021, chúng ta đã có sự chuẩn bị tinh thần cho kết quả tất yếu này. Như vậy lạm phát không phải là rủi ro không được báo trước. Quan trọng là tại TPCG, chúng ta đã làm gì để quản lý nó?

Trong suốt thời gian qua, ban lãnh đạo luôn phải thực hiện nhiệm vụ này mặc dù chưa có cơ hội chia sẻ thật nhiều với các bạn. Một vài động thái mà chúng ta đã chuẩn bị gồm có.

         1. Tích luỹ tài sản ngoài tiền.
         2. Mua bảo hiểm biến động tỷ giá. 
         3. Quản lý chặt hơn công nợ của khách hàng
(bằng VND).

CÒN SUY THOÁI LÀ GÌ VÀ TPCG SẼ ỨNG PHÓ NHƯ THẾ NÀO?

Suy thoái được định nghĩa là một chu kỳ (hay một khoảng thời gian) mà nhiều người trong xã hội có xu thế giảm bớt chi tiêu.

Viêc đặt ra câu hỏi vì sao mọi người/các tổ chức lại giảm chi tiêu có rất nhiều lý do – từ nội tại nhưng cũng có thể đến từ bên ngoài. Một số yếu tố nội tại gồm có thất nghiệp, đã chi quá nhiều hoặc lỡ đầu tư quá nhiều nhưng thất bại,…. Một số yếu tố tác động từ bên ngoài gồm có hàng hoá đắt đỏ, lại suất vay cao, vay không được, chi phí nhân công tăng vọt,…

Đối với một số ngành nghề, suy thoái mới bắt đầu nhưng đối với một số ngành nghề khác, thực ra suy thoái đã diễn ra một thời gian, thậm chí từ trước dịch bệnh Covid. Và thậm chí trong giai đoạn các ngành tăng trưởng thì một số công ty vẫn có thể ở trong trạng thái suy thoái của chính nó. Nói như vậy có nghĩa là suy thoái có thể là một tác động bên ngoài nhưng suy thoái cũng có thể là trạng tháng nội tại của tổ chức – một tổ chức già nua, không thay đổi, không bắt kịp với sự dịch chuyển và xu hướng.

Tại TPCG, chúng ta có những ngành truyền thống, và cũng có những đầu tư mới, những ngành mới nổi. Chúng ta có sự thành công nhất định nhưng cũng có thất bại. Nhưng trong vai trò một lãnh đạo của tổ chức, tôi cho rằng việc quản lý rủi ro suy thoái nội tại của tổ chức ở mọi thời điểm, vòng đời của kinh tế là thật sự quan trọng.

Mỗi ngành đều có những thời hoàng kim của nó. Xu thế khách hàng có thể thay đổi qua thời gian. Tôi thích khái niệm của “Cô hàng xén” mà mẹ tôi tiên phong xây dựng kinh tế gia đình và triết lý kinh doanh của bà – “bán cái người ta cần”. Có bao giờ con người “hết cần” đâu? Như vậy nhiệm vụ của người bán hàng, hay một tổ chức kinh doanh chẳng phải đi tìm cái người ta cần để tìm mọi cách đáp ứng?

Tôi tin vào việc quay vào bên trong – nội tại của cá nhân và tổ chức – để đặt câu hỏi “mình muốn phục vụ ai?” và “Điểm mạnh nhất hay khả năng tốt nhất của mình để đạt được sự phục vụ đó cho người mình muốn phục vụ là gì?”. Hay nói cách khác, không biết mình phục vụ ai, làm gì để tạo ra gía trị gì cho họ, không giải quyết vấn đề cho khách hàng, thì ngay cả khi thị trường không có suy thoái, thì mình cũng đã thất bại trước rồi.

Vậy trong suy thoái hiện nay, chúng ta cần làm gì? Tất nhiên TPCG cần phải ứng phó với các phát sinh khẩn cấp của thị trường.

1- Việc giảm đơn hàng, giảm doanh thu sẽ dẫn đến các chính sách thắt lưng buộc bụng nói chung. Chúng ta cần có những nhân sự đa năng đa nhiệm, giúp tổ chức linh hoạt vượt qua khủng hoảng.

2- Bảo toàn vốn: Việc suy thoái là vòng xoáy domino nói chung. Tác động của lạm phát đồng thời cũng gây áp lực lên công nợ nói chung. Do đó việc cấp thiết là xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt nhưng quản lý được công nợ khách hàng hiệu quả.

3- Tìm kiếm cơ hội trong khủng hoảng:
Ngay cả trong đại dịch, nhiều công ty vẫn làm không hết việc, có người làm không được nghỉ ngơi. Đó là bài học của việc thích ứng, của khả năng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn. Là một tổ chức mong muốn phát triển bền vững, chúng ta không thể ngồi chờ và hy vọng.

Việc đánh giá được cơ hội tiềm năng khi mọi người khắc khoải ở đâu chính là nhiệm vụ ban lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt ngành phải cùng nhau thảo luận, và nỗ lực để giải quyết. Khăng khăng chỉ bán cái mình có là con đường nhanh nhất để tự đưa mình vào khủng hoảng.

4- Ưu tiên giải quyết các vấn đề lớn của tổ chức mà chúng ta không có “thời gian để giải quyết” ở các giai đoạn bận rộn kinh doanh thông thường. Ví dụ: rủi ro về pháp lý, về quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng chưa hiệu quả, cải thiện vấn đề giao tiếp chưa hiệu quả bên trong tổ chức và với khách hàng... Giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả cũng là cách giảm áp lực về tài chính trong ngắn hạn và cả dài hạn cho tổ chức.

5- Giải quyết vấn đề cho khách hàng một cách sáng tạo:
Nhu cầu thị trường không mất đi, như nhu cầu ăn uống mua sắm chẳng hạn, nhưng khách hàng sẽ rất chọn lọc, lựa món họ thích. Dịch vụ khách hàng hay sản phẩm cũng vậy. Chúng ta cần phải làm gì khác đi để giải quyết nhu cầu đó của khách hàng để được là “lựa chọn đầu tiên” mà khách hàng nghĩ đến khi họ cần giải pháp? Liệu việc hợp tác với khách hàng theo cách nào đó có phải là một lựa chọn? Câu hỏi này tôi dành cho các bạn.

Đây cũng là thời điểm gần cuối năm 2022, việc nhìn lại thành tựu đã làm được trong năm qua, và hướng tới năm mới 2023 với những định vị cụ thể rõ ràng là quan trọng. Mong rằng với một số chia sẻ cá nhân ở trên, các bạn có thêm vài điểm nhấn để cùng suy nghĩ – Suy nghĩ cho mình và cho tổ chức – để cùng nhau, chúng ta không phải vượt qua suy thoái kinh tế và còn có thể phát triển cùng nhau trong quá trình đưa công ty đi đến tầm nhìn đã đề ra.
Nguyễn Thị Hồng Nhung – Phó TGĐ TPC Holding.