BÁO NỘI BỘ TÂN PHÚ CƯỜNG

RA KHỎI VÙNG AN TOÀN

Trong suốt mấy tuần qua, tôi dành thời gian đọc quyển “2023: Những xu hướng lớn sẽ định hình thế giới tương lai” của Mauro F. Guillén. Nhìn chung, quyển sách là tổng kết các góc nhìn của nhiều nhà phân tích về tương lai đến 2023, quyển này được xuất bản vào tháng 8/2020 và những dự báo về covid-19 chưa được nêu trong sách. Tuy nhiên, những phân tích của ông vẫn có giá trị nhất định, trong phần kết, ông viết “Không ai có thể đoán trước được tương lai, nhưng chúng ta có thể tiếp cận nó một cách khôn ngoan, nếu luôn có tư duy đa chiều”. Ông đưa ra 7 nguyên tắc thực thi để chúng ta tiếp cận và có thể phát triển trong thập kỷ tới. Xin giới thiệu nguyên tắc số 1 là “Ra khỏi vùng an toàn”.

Tác giả dẫn câu nói của William C. Faulkner, tiểu thuyết gia người Mỹ, đoạt Giải Nobel Văn học năm 1949, đó là “Bạn không thể vươn tới những chân trời mới nếu không đủ can đảm ra khỏi vùng an toàn”.

Mauro kể lại câu chuyện về nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, tên là Hernán Cortés, ông này được giao nhiệm vụ dẫn trên 200 tay kiếm đến thám hiểm và có ý đồ chiếm đóng thành Tenochtitlan - là thủ đô của Mehico lúc bấy giờ. Khi vừa đến nơi, ông đã hạ lệnh đánh đắm toàn bộ 11 con tàu để không ai có thể quay về, đây là cách mà Cortés buộc các thuộc hạ ra khỏi vùng an toàn. Cuối cùng thì đoàn quân của ông đã tiến vào thủ phủ của Mehico và khiến cho đế chế lúc bấy giờ là Aztec phải sụp đổ.

Có một câu chuyện khác về hai chú vẹt rất quý hiếm, được một vị vua mang về từ vùng đất xa xôi, nhà vua đã lập hẳn một khu vườn lớn cho hai chú vẹt tha hồ bay lượn. Tuy nhiên, chỉ một con chịu bay, còn một con khác chỉ đậu trên cành hết ngày này qua tháng nọ. Nhà vua cho mời nhiều chuyên gia nuôi chim về để huấn luyện cho chú vẹt “lười biếng” này. Gần hai năm trôi qua, với nhiều vị chuyên gia huấn luyện nhưng tình hình vẫn không khá hơn, chú chim “lười biếng” chỉ đậu trên cành và ngắm nghía xung quanh chứ không chịu bay.

Nhà vua quyết định treo thưởng cho bất kỳ ai có thể giúp chú vẹt lười này chịu bay lượn như chú vẹt còn lại. Nhiều người đã đến và thử nghiệm, nhưng đều thất bại, mãi gần một năm sau, có một bác nông dân đầu tóc bạc phơ đến xin thử nghiệm, vị quan phụ trách đã quen nhìn những thất bại trước đó, nên cũng không mấy mặn mà với người nông dân này. Nhưng bác nông dân rất tự tin và báo với vị quan phụ trách rằng ông rất bận với mùa màng ở quê nhà, không thể lưu lại ở đây lâu nên muốn lãnh thưởng vào ngày hôm sau.

Ngay buổi chiều hôm đó, như lịch trình hàng ngày, nhà vua đi dạo trong khu vườn và ngạc nhiên khi nhìn thấy cả hai chú vẹt cùng nhau bay lượn. Ngay tức khắc, nhà vua cho triệu người nông dân tới ban thưởng và hỏi: "Làm thế nào mà ông có thể khiến chú vẹt lười biếng của ta rời cành cây và cất cánh bay vậy?".

Người nông dân liền đáp lại: "Dạ, việc này rất đơn giản, thưa bệ hạ. Thần chỉ cắt bỏ cành cây mà chú vẹt luôn đứng trên đó thôi ạ!".

Câu chuyện này, một lần nữa cho thấy rằng khi ta biết loại bỏ vùng an toàn, thì ta (trong câu chuyện này là con vẹt) mới chịu thay đổi. Với con vẹt, là sự bay lượn, còn với con người, đó là sự tiến về phía trước!

Nói như vậy, không đồng nghĩa rằng chúng ta sẽ liều lĩnh làm bằng mọi cách mà không tính toán đến khả năng thành công, điều đó vẫn phải có, vì chúng ta có mục tiêu rõ ràng và trước khi làm điều gì để đạt mục tiêu thì chúng ta luôn phải tính toán các nguồn lực và có nhiều phương án, giải pháp…Chỉ có điều là, do chúng ta chưa chịu thoát khỏi vùng an toàn, do vậy, sẽ làm nhát gừng, thiếu quyết liệt, sợ thất bại…nên không thể toàn tâm toàn ý.

Chính vì thế mà Mauro F. Guillén đã đưa ra nguyên tắc đầu tiên là “Ra khỏi vùng an toàn” nếu chúng ta muốn thành công trong những thập kỷ tới.

Hãy ra khỏi vùng an toàn của bạn để cùng TPC bay lượn nhé!

Tổng giám đốc TPCH
Diệp Thành Kiệt