BÁO NỘI BỘ TÂN PHÚ CƯỜNG

THẤY CHUYỆN NGƯỜI – NGẪM CHUYỆN MÌNH

Theo số liệu thống kê từ Vitas, trong 06 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm 21% so với số liệu cùng kỳ năm trước, trong khi đó xuất khẩu dệt may của Bangladesh tăng từ 6-25% tùy vào thị trường Xuất khẩu.

Trước đó, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu VN đạt 44,7 tỷ đô la Mỹ, giữ vị trí thứ ba trong các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc (323 tỉ đô la) và Bangladesh (45,7 tỷ đô la Mỹ).

Những tiêu chí về PHÁT TRIỂN XANH hay còn gọi là XANH HÓA CHUỖI SẢN XUẤT đều nằm trong các bảng đánh giá của các nhà mua hàng với các nhà máy và chuỗi dây chuyền cung cấp.

Để tuân thủ theo tiêu chuẩn LEED, các nhà máy thuộc chuỗi cung cấp hàng dệt may phải đầu tư tài chính, nhân lực cho cả về xử lý khí thải, nước thải, rác thải, năng lượng; nguồn nguyên liệu sử dụng, phương thức sản xuất và cả lượng khí tươi sản sinh, tỉ lệ cây xanh trên một người lao động, màu sơn tại môi trường sản xuất.

Thời gian qua Bangladesh có nhiều đơn hàng hơn vì họ chú trọng PHÁT TRIỂN XANH ( theo tiêu chuẩn LEED ). Cũng theo nhận định, so sánh từ Vitas, số lượng nhà máy đạt chứng nhận LEED Platinum tại đất nước Nam Á lên đến con số hàng trăm, trong khi Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là các Doanh nghiệp FDI.

XANH HÓA CHUỖI SẢN XUẤT trong ngành dệt may đang là xu thế toàn cầu mà các nhà sản xuất buộc phải triển khai để đáp ứng yêu cầu của nhà mua hàng và để hưởng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại thế hệ mới đã có hiệu lực như EVFTA, CPTPP … Chính Phủ Việt Nam đã có cam kết tại COP26 hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Khái niệm XANH HÓA trong ngành mang ý nghĩa ngành hoạt động theo yêu cầu phát triển bền vững, trong đó các yếu tố giảm thải độc hại, môi trường sạch xanh, thân thiện là tiêu chí hàng đầu.

Đã có những dữ liệu cho thấy sự chuyển mình của một số nhà máy sản xuất tại Việt Nam đang hướng đến yêu cầu này. Như nghiên cứu và thử nghiệm các loại vải từ những vật liệu tái chế, thiên nhiên; Xây dựng hệ thống tuần hoàn nước giúp sử dụng lại từ khoảng 30 – 40% nước thải đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn cho khâu nhuộm; Chuyển đổi nhiên liệu từ than đá thành vỏ trấu; Sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái; Dùng lò hơi điện thay cho than đá ở các nhà máy nhuộm; Dành diện tích cho cây xanh nhiều hơn …

Công ty Hóa Chất Tân Phú Cường là một trong những mắc xích quan trọng của chuỗi cung cấp hàng dệt may, khi mà tiêu chuẩn XANH HÓA buộc phải tuân thủ đồng điệu cho dãy cung cấp, chắc hẳn chúng ta cũng không nằm ngoài yêu cầu của nhà mua hàng cho tiêu chuẩn này.

Không hiểu đang là vô tình hay cố ý cho định hướng phát triển bền vững theo đường dài mà công ty Hóa Chất Tân Phú Cường tại Xuyên Á đã trồng hơn 300 gốc cây lớn nhỏ gồm cả cây kiểng, cây cho bóng mát và cả cây ăn trái hết chu vi công ty, nhà kho với diện tích gần 3 hecta. Nếu tính định mức cây xanh trên đầu người làm việc tại khuôn viên này là 1,5 cây trên người. Dự án Xuyên Á với những ngày đầu xây dựng, nắng hè tưởng chừng có thể thiêu cháy da người, không khí đặc sệt khói bụi, không một bóng cây … thế mà giờ đây đã trở thành mái nhà thân thiện, an lành của hơn cả trăm người lao động.

Hệ thống nước thải của dự án cũng được thiết kế lắp đặt phù hợp theo yêu cầu xả thải của khu công nghiệp, thiết kế của nhà xưởng, kho hàng, văn phòng cũng chú trọng đến yếu tố thoáng mát, không khí đối lưu tự nhiên, hạn chế tối đa việc giảm nhiệt bằng thiết bị sử dụng năng lượng.
Dự án sắp tới công ty còn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái vừa tiết kiệm được chi phí về nhiên liệu, năng lượng mà cũng là một trong những tiêu chí hướng tới tiêu chuẩn XANH HÓA môi trường.

Phải chăng chúng ta đã và đang rất sẵn sàng đứng vào hàng ngũ của chuỗi cung cấp hàng dệt may XANH HÓA?!

Giám đốc vận hành TPCC
Nguyễn Ngọc Cẩm Tú