BÁO NỘI BỘ TÂN PHÚ CƯỜNG

TPC GROUP
ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỘNG KINH TẾ NĂM 2023

Bài viết này được hoàn thành khi chúng ta khép lại năm 2022, một năm mà kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động.
Về tổng thể, năm 2022 Việt Nam được ghi nhận là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới sau dịch. Tuy nhiên, với năm 2023, rất nhiều tổ chức lớn trên thế giới như WB, IFC, IMF…dự báo là năm có rất nhiều khó khăn, tăng trưởng sẽ chậm lại; tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh…Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chỉ đạt khoảng từ 1,6% đến 1,8%, giảm sâu so với giai đoạn trước.
Suy thoái toàn cầu ngày càng hiện hữu rõ trong những tháng của quý 4/2022 này, cho thấy năm 2023 sẽ là một năm rất khó khăn và Việt Nam không thể đứng ngoài sự suy thoái đó.
TPC Group là nhóm doanh nghiệp đang hoạt động trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa, do vậy, chúng ta cũng sẽ phải đối đầu với cơn bão suy thoái này.

1- Điều gì sẽ tác động đến TPC Group? Có ít nhất 4 tác động mạnh như sau:
(i) Sự giảm sút trong hoạt động kinh doanh:

- Ngành thời trang thế giới nói chung, ngành dệt may nói riêng đã có những dấu hiệu sút giảm trong tiêu thụ. Báo Đầu tư, bản tiếng Anh ngày 18/11 có trích dẫn báo cáo của bộ Công thương là “Số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 đã giảm 25 - 50% so với quý 2/2022”, điều này cho thấy suy thoái không chỉ đứng trước cửa mà đã vào nhà, xem thêm link: Textile enterprises face difficulties in 2023 (vir.com.vn)

- Ngành bất động sản trong nước được dự báo sẽ có sự sụt giảm sâu, một vài con số mà ông Chủ tịch HH BĐS TPHCM đưa ra gần đây như lao động nhiều tập đoàn đã bị cắt giảm mạnh đến trên 50%, tăng trưởng tín dụng của BĐS thấp hơn tăng trưởng cả nước…đều là những tín hiệu xấu, xem thêm link: Chủ tịch HoREA: Bất động sản nguy cơ suy thoái - VnExpress Kinh doanh
Không quá bi quan, nhưng chúng ta phải cùng nhận diện rằng năm 2023 sẽ là năm cực kỳ khó khăn trong hoạt động kinh doanh của TPC group.

(ii) Sự tăng nhanh của tất cả các chi phí.

- Không cần giải thích thêm, có lẽ tất cả thành viên trong công ty đều nhận ra điều này, xuất phát của mọi xuất phát chính là giá xăng dầu tăng cao, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, chi phí nhân công…Tất cả đều tăng áp lực lên giá đầu vào và từ đó, khiến tất cả chi phí đều tăng vọt.
- Lãi suất tín dụng tăng cao gần đây cũng tạo nên một áp lực lớn về chi phí hoạt động cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa vào nguồn vốn vay.

(iii) Sự thắt chặt trong khả năng tìm nguồn vốn cho hoạt động.

- Nhiều vụ án đang diễn ra trong xã hội có liên quan đến hoạt động huy động vốn qua trái phiếu, những diễn tiến xấu của nhiều ngành kinh tế lớn, đặc biệt là bất động sản khiến ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại đều tìm cách thắt chặt tín dụng nhằm bảo đảm sự an toàn cho hoạt động ngân hàng và tín dụng cả nước.
- Điều này không những tác động trực tiếp đến các nguồn vay mà TPC Group đang thực hiện mà còn tác động lên cả việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án của TPC Group.

(iv) Sự khó đoán đối với nhu cầu cũng như diễn tiến của thị trường.

- Thị trường đang ở một giai đoạn rất khó đoán, cũng dễ hiểu vì bản thân từng người tiêu dùng không thể đoán được tương lai của họ sẽ ra sao.
- Chỉ lấy thí dụ trong nước, đầu năm 2022, các ngành xuất hàng có rất nhiều đơn hàng, nhưng không có đủ lao động, điều này đã giúp thu hút nhiều lao động di chuyển đến các khu vực kinh tế trọng điểm, nhưng chỉ 6 tháng sau, tình hình đảo ngược; lao động thiếu việc làm do đơn hàng bị giảm! Như vậy, cả doanh nghiệp và người lao động đều không dự đoán điều gì sẽ xảy ra, và hành vi tiêu dùng của họ cũng sẽ trở nên khó đoán.

2- TPC Group sẽ làm gì?

Những gì đang diễn ra đều chưa có tiền lệ trước đó, do vậy, việc đưa ra các giải pháp cứng nhắc sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn.
HĐQT TPC Holding đã thống nhất là cần có những giải pháp linh hoạt, uyển chuyển phù hợp với những thay đổi của hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng rất cần có những định hướng để toàn group là kim chỉ nam cho hoạt động năm 2023, đó là:

(i) Xác lập mục tiêu và xây dựng các chương trình hành động phù hợp: điều này quyết định cho hướng đi của năm 2023; HĐQT TPC Holding đã thống nhất đề ra 25 mục tiêu cho tất cả các công ty trong toàn TPC Group và đang được lãnh đạo các công ty triển khai thành những chương trình hành động cụ thể.

(ii) Bảo đảm mạch máu của toàn group luôn được lưu thông: nói theo ngôn ngữ chuyên môn là phải bảo đảm được dòng tiền. Nhiều tổng kết cho thấy, trong thời gian covid vừa qua, doanh nghiệp nào duy trì được dòng tiền và có lượng tiền dự trữ phù hợp sẽ bật dậy được sau khó khăn.

(iii) Ổn định nhân sự: đây luôn là một nhân tố chính cho sự hồi phục của doanh nghiệp. Ổn định không chỉ là giữ lại tất cả mà đây là dịp tốt sàng lọc, nâng chất và sẵn sàng để nắm bắt cơ hội khi các khó khăn qua đi.

(iv) Xây dựng, rà soát hệ thống: khi khó khăn diễn ra là lúc chúng ta có thời gian để rà soát lại bản thân mình, một trong các rà soát rất quan trọng đó là hệ thống vận hành. Đây là dịp tốt để sửa sang, chỉnh đốn lại các lỗ hổng trong hệ thống vận hành mà ta đã phát hiện trước đó, nhưng chưa có thời gian hoàn thiện.

(v) Tiết giảm những chi phí không cần thiết: dù biết rằng Ban Lãnh đạo và CBCNV đã hết sức tiết kiệm trong mọi chi tiêu, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều loại chi phí mà chúng ta cần cân nhắc trước khi quyết định chi.

3- Từng cán bộ công nhân viên sẽ làm gì?

Chúng ta không thể đứng ngoài cơn bão suy thoái đang đến, nhưng để chống bão, không chỉ có sự lãnh đạo chỉ đường, mà rất cần sự tham gia đồng lòng của tất cả CBCNV để đủ sức chống chọi khi cơn bão ập đến. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, chỉ đề ra bốn điều cốt lõi mà tất cả CBCNV cần làm:

(i) Hiến kế: được hiểu là sự chủ động đề xuất từ CBCNV cho ban LĐ công ty, từ những điều nho nhỏ, có thể giúp cắt giảm chi phí, đến những giải pháp lớn hơn, giúp kiểm soát tốt các hoạt động.

(ii) Dấn thân: đây là giai đoạn rất cần có sự dấn thân, sự tiên phong của CBCNV nhằm giúp công ty trụ được trong cơn bão, sự dấn thân được thể hiện qua việc dám nghĩ và dám làm, dám chấp nhận sự rủi ro của bản thân để làm những nhiều có ích cho công ty.

(iii) Linh hoạt: mọi thứ đều khó đoán, do vậy, cách hành xử cứng nhắc, cách làm việc theo một công thức “lập trình” sẵn sẽ khó đạt được sự thành công. Sự linh hoạt được hiểu là sự ứng phó khéo léo trước mọi tình huống mà không câu nệ đến những ràng buộc của tổ chức, nhưng không hề khiến cho tổ chức mất đi sự tuân thủ.

(iv) Kiêm nhiệm: sẽ có nhiều việc phát sinh, không có trong chức năng, nhiệm vụ, hoặc một vài đơn vị bỗng dưng bị quá tải do phát sinh thêm việc. Nếu chờ đợi, thiệt hại có thể đến, do vậy, cùng gánh vác qua hình thức kiêm nhiệm là điều mà mỗi người trong chúng ta phải luôn sẵn sàng.

Có một câu nói khá hay, đó là “Một cơn bão có thể tàn phá tất cả, nhưng không thể chạm đến lòng người”, câu nói này ám chỉ rằng nếu con người cùng nổ lực sẽ vượt qua cơn bão. Mong rằng những lời kêu gọi CBCNV nêu trên không chỉ dừng lại đó mà còn được mọi người phát huy rộng hơn để chúng ta cùng nhau chèo chống con thuyền TPC Group đến được bến bờ mới an toàn và thành đạt.

Diệp Thành Kiệt.