BÁO NỘI BỘ TÂN PHÚ CƯỜNG

YÊU THƯƠNG BẢN THÂN

Khi còn bé, chúng ta thường được người lớn dạy phải yêu thương người khác, điều đó là đúng, bởi vì cha mẹ chúng ta rất sợ con cái của mình mắc bệnh ích kỷ, không biết yêu thương người khác. Tôi biết bài viết này với mong muốn chia sẻ cho các bạn một quan điểm khác, đó là “YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH TRƯỚC KHI YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC”.

Cách đây nhiều năm, khi còn ở tuổi U50, tôi vô tình nghe bài thuyết giảng của một vị thiền sư về yêu thương bản thân. Theo ngài, yêu thương bản thân chính là cách chúng ta yêu thương người khác. Ngài đưa dẫn chứng rằng khi ta đã già mà vẫn còn khỏe mạnh, còn minh mẫn, có thể tự chăm sóc mình thì ta đã giúp giảm sự lo lắng, phiền muộn và giúp người thân yên tâm về ta - Đó cũng chính là biểu hiện của sự yêu thương vậy!

Những lời giảng đó được tôi nghe lại mấy lần và thấy rằng trước đó, tôi chưa thật sự yêu bản thân mình - có những buổi tiệc tùng thoải mái uống bia rượu và khiến bà xã phải thức cả đêm chăm sóc, rồi hậu quả của bia bọt khiến bệnh gout tấn công. Có nhiều tháng, lấy lý do là bận việc, tiếp khách, tôi đã không đọc được một quyển sách nào… Khi hiểu được bản chất của “yêu thương", tôi đã tự nói với chính mình “mọi thứ cần phải thay đổi”.

Tôi đã bắt tay cho sự thay đổi và kiên quyết với chính mình. Dù bắt đầu với nhiều ý chí, tôi vẫn nhận ra rằng học cách yêu thương bản thân không dễ chút nào. Khi tập trung sự ý thức về giá trị của bản thân, cho cơ thể và tâm hồn; đặc biệt là khi tìm những giải pháp chăm sóc cho chính bản thân mình, tôi đã thấy rất nhiều sự mâu thuẫn và rào cản.
Quá trình thực hiện và thất bại, rồi lại tiếp tục đã diễn ra nhiều năm cho đến khi trở thành thói quen cho thấy rằng yêu thương bản thân không phải chỉ với mong muốn là được. Nó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì chống lại với rất nhiều thói quen đã tồn tại trước đó. Để vượt qua được rào cản này, tôi phải liên tục tập trung vào kết quả.

Năm 2016, tôi cùng gia đình đi du lịch Vịnh Hạ Long, khi chuẩn bị lên thuyền trở về, vợ tôi sơ ý, trượt chân khi bước xuống thuyền và bị gãy lìa chân, không thể tự bước lên bờ để lên xe. Từ bến đỗ của thuyền lên chỗ đậu xe phải bước lên trên 30 bậc thang mà các bậc này chỉ thiết kế vừa đủ đặt bàn chân, tự đi lên một mình đã khó, nói gì đến việc phải cõng một người bị gãy chân, nặng gần 60 kg. Cậu con trai tôi, lúc đó 25 tuổi, xung phong cõng mẹ, nhưng chỉ đi được 5 bước là thở dốc, không phải do mẹ nặng mà do phải bước lên những bậc thang cực kỳ khó và nguy hiểm.

Và tôi phải làm điều đó! Một người ở tuổi gần 60 đã làm được điều mà một chàng trai 25 tuổi không làm được. Chính kết quả của sự rèn luyện cả thể chất và tâm hồn đã cho phép tôi làm điều không thể ngày hôm đó. Nếu có ai nói rèn quân 10 năm, dùng quân một giờ, câu chuyện này chính là minh chứng cho việc đó.

Tuy nhiên, “yêu thương bản thân” không có nghĩa là ta phải quá hà khắc với bản thân mình, mà phải nương theo nó. Tôi luôn phải hỏi cơ thể và tâm hồn ta xem như vậy có phù hợp không, có quá đáng không? Khi ta hiểu được bản chất của sự yêu thương và lợi ích to lớn từ nó, ta sẽ có động lực để tiếp tục rèn luyện sức mạnh của cơ thể, của tinh thần để không chỉ giúp cho bản thân mình được khỏe mạnh, tự chủ, khiến người thân yên tâm về ta, mà còn có thể cho phép ta vượt qua được nhiều thách thức, khó khăn trong cuộc sống để giúp đỡ gia đình và những người xung quanh khi cần thiết.

Chúc các bạn luôn hạnh phúc và tự yêu thương chính mình.

Tổng giám đốc TPCH
Diệp Thành Kiệt